Rối loạn giấc ngủ ở người già là tất cả những trường hợp mà giấc ngủ của người già bị gián đoạn. Có thể là thiếu ngủ, ngủ quá nhiều hoặc những hành vi bất thường trong khi ngủ.

Nguyên nhân tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người già
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người lớn cần ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và người già thường khó ngủ sâu hơn so với người trẻ tuổi. Chính vì thế các vấn đề về giấc ngủ xảy ra thường xuyên ở người già. Một người lớn tuổi khỏe mạnh có thể thức dậy nhiều lần một đêm mà không phải do bệnh tật.
Tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người già có thể do một trong những nguyên nhân dưới đây như:
- Bệnh sa sút trí tuệ.
- Sử dụng bia rượu.
- Thay đổi đồng hồ sinh học do lão hóa khiến người già thường đi ngủ sớm hơn vào buổi tối.
- Mắc bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp.

- Tác dụng phụ của thuốc, thực phẩm bổ sung.
- Người cao tuổi bị trầm cảm cũng gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ: ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ.
- Não và hệ thần kinh không khỏe mạnh.
- Lười vận động.
- Tình trạng đau đớn do nhiều nguyên nhân: viêm khớp, thoái hóa đốt sống…
- Ảnh hưởng của những bệnh liên quan đến tiểu đêm: thận yếu, tuyến tiền liệt.
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người già
Người già bị rối loạn giấc ngủ có thể có các biểu hiện sau:
- Nằm mãi vẫn không thể đi vào giấc ngủ.
- Sự khác biệt khi ngủ giữa ngày và đêm rất ít.
- Sáng dậy sớm.
- Đêm ngủ thức dậy nhiều lần, có thể do giật mình, do tiểu đêm hoặc do ngủ không ngon giấc.
Chẩn đoán tình trạng mất ngủ
Khi người cao tuổi tới các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng mất ngủ, các bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi về lịch sử bệnh lý và một số đề nghị để tìm hiểu nguyên nhân và xác định thể loại rối loạn giấc ngủ ở người già.

Một số câu hỏi bác sĩ sẽ yêu cầu người cao tuổi trả lời như:
- Bạn có bị khó ngủ vào buổi đêm không?
- Bạn ngủ thời gian dài nhất trong bao lâu? Sau khi thức dậy bạn có chìm vào giấc ngủ nhanh không?
Chu kỳ ngủ và thức của chúng ta tuân theo nhịp sinh học hay còn gọi là đồng hồ sinh học. Những thay đổi về thể chất và tinh thần trong não của chúng ta sẽ diễn ra theo chu kỳ 24 giờ. Và có nhiều thói quen trong cuộc sống hàng ngày có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của bạn, khiến bạn ngủ không ngon vào ban đêm. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến nhịp sinh học của người cao tuổi:
- Ngủ trưa quá nhiều.
- Ngủ trong môi trường nhiều ánh sáng và tiếng ồn khiến bạn bị mất tập trung.
- Làm việc vào buổi tối, đêm.
- Lười vận động.
- Sử dụng chất kích thích: rượu, bia, cafein, thuốc lá.
Điều quan trọng là chúng ta cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm. Ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn đều không tốt cho sức khỏe của người cao tuổi. Chính vì thế nếu bạn hoặc người thân của mình đang bị mất ngủ thì cần tới gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Có lẽ việc trước tiên mà người cao tuổi cần làm để có giấc ngủ ngon chính là thay đổi lối sống: vận động, không sử dụng chất kích thích vào buổi tối, luôn để tinh thần thoải mái. Nếu nguyên nhân người cao tuổi bị mất ngủ là bởi lo âu, chán nản thì cần đưa họ tới gặp bác sĩ tâm lý để được giải tỏa và trị liệu nếu cần thiết.
Khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người già

Để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người già, bác sĩ sẽ cần giúp đỡ họ giải quyết các bệnh mãn tính về sức khỏe như: tình trạng tiểu đêm, đau và trầm cảm. Ngoài việc tạo ra không gian ngủ lý tưởng: yên tĩnh, không có ánh sáng, nhiệt độ phù hợp thì một số cách dưới đây cũng giúp điều trị rối loạn giấc ngủ ở người già.
- Người cao tuổi không nên ăn quá no trước khi đi ngủ nhưng một bữa ăn nhẹ lại cần thiết. Một cốc sữa ấm có thể khiến họ buồn ngủ nhưng nó không hữu ích với những ai mắc chứng tiểu đêm.
- Không được uống các loại đồ uống chứa chất kích thích ít nhất 4 giờ trước khi đi ngủ.
- Người cao tuổi cần tập thể dục thường xuyên tùy theo sức khỏe của mình. Bộ môn thái cực quyền được cho là liệu pháp giúp người già ngủ ngon giấc.
- Người già hay người trẻ cũng nên tạo thói quen đi ngủ và thức giấc vào cùng một giờ mỗi ngày.
- Hạn chế ngủ trưa, giấc ngủ trưa chỉ nên trong khoảng 30 phút.
- Không nên sử dụng các thiết bị điện tử trong phòng ngủ.
- Không nên sử dụng giường để làm các việc khác ngoài ngủ và sinh hoạt tình dục.
Sau 20 phút, nếu bạn không thành công với việc cố gắng ngủ thì hãy ra khỏi giường và nghe nhạc hoặc đọc sách. Bạn không nên lạm dụng thuốc ngủ vì chúng có thể khiến bạn phụ thuộc và theo thời gian tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người già sẽ trở nên tồi tệ hơn. Trong trường hợp bạn cảm thấy mình cần sử dụng thuốc ngủ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về loại thuốc an và phù hợp với sức khỏe cũng như các bệnh mãn tính của bạn.
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi cũng có thể xảy ra với người trẻ tuổi. Điều quan trọng là chúng ta cần duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc và giải quyết tất cả những lo âu trước khi lên giường.
Bài viết liên quan: Giúp người cao tuổi ngủ ngon giấc