Khi thời tiết chuyển mùa, chúng ta cần tìm hiểu kiến thức về mức độ nguy hiểm của nhiệt độ thấp có thể gây tử vong cho người cao tuổi. Người cao tuổi bị hạ thân nhiệt ở nhiệt độ nào và chúng ta phải làm sao để xử trí khi trường hợp khẩn cấp xảy ra? Bạn và Yaocare Medic hãy cùng khám phá để đảm bảo người thân của mình có thể tận hưởng thời tiết bốn mùa một cách trọn vẹn nhất.
Sự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể thay đổi theo độ tuổi
Khi bạn già đi, sự phân bổ cơ thể không còn giống như lúc trẻ. Tỷ lệ mỡ, khối lượng cơ, da đều thay đổi. Lúc này tuyến mồ hôi và tuyến dầu cũng hoạt động ít hơn và dần mất đi. Sự thay đổi này khiến khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của bạn cũng bị ảnh hưởng và cơ thể bạn không kịp nhận ra mỗi khi nhiệt độ môi trường tăng hay giảm.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, những thay đổi về thể chất, lối sống hoặc tuổi tác đều ảnh hưởng đến phản ứng với nhiệt của cơ thể. Một số yếu tố có thể làm giảm khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của người cao tuổi như:
- Khả năng tuần hoàn máu và tuyến mồ hôi hoạt động ít hơn làm cơ thể người cao tuổi hạ nhiệt khó hơn.
- Thuốc huyết áp, tim mạch, phổi, thận làm giảm khả năng hoạt động của tuyến mồ hôi.
- Người nghiện rượu bị mất nước nên kiểm soát nhiệt cũng kém.
- Ngoài ra các yếu tố bên ngoài như hệ thống điều hòa, quần áo không phù hợp cũng hạn chế khả năng kiểm soát nhiệt độ của người cao tuổi.
Nguyên nhân người cao tuổi bị hạ thân nhiệt
Khi về già, chúng ta bị hạ thân nhiệt cao hơn lúc trẻ do thể chất thay đổi. Lớp mỡ dưới da mỏng đi, không còn khả năng giữ nhiệt khiến người cao tuổi dễ bị cảm lạnh hơn. Một số bệnh mãn tính như tiểu đường, gan, thận cũng khiến máu tuần hoàn kém hơn khiến người cao tuổi dễ bị hạ thân nhiệt. Vậy hạ thân nhiệt là gì?
Chúng ta thường chỉ biết đến hiện tượng tăng thân nhiệt hay còn gọi là sốt. Còn hạ thân nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể bạn dưới 37 độ C và chúng cũng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như: đau tim, gan bị tổn thương hoặc chức năng thận bị rối loạn. Bạn không cần phải ở bắc cực hay nam cực mà bạn có thể bị hạ thân nhiệt ngay trong nhà mình nếu nó không đủ ấm.
Dấu hiệu nhận biết người cao tuổi bị hạ thân nhiệt
Việc nhận biết các dấu hiệu sớm khi người cao tuổi bị hạ thân nhiệt có thể giúp giảm nguy cơ tử vong và những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các biểu hiện giúp bạn phát hiện nhiệt độ cơ thể của người cao tuổi đang giảm dần:
- Bàn chân, bàn tay của người cao tuổi rất lạnh.
- Mặt bị sưng húp.
- Làn da tái và nhợt nhạt.
- Cơ thể run rẩy hoặc rùng mình (có những trường hợp không xảy ra triệu chứng này).
- Người cao tuổi có thể nói lắp hoặc nói chậm hơn.
- Người thân của bạn tỏ ra buồn ngủ, bối rối hoặc tức giận.
Nếu tình trạng người cao tuổi bị hạ thân nhiệt trở nên nguy kịch, họ có thể bị hạn chế hoặc mất khả năng vận động, khó di chuyển, tim đập chậm, khó thở và mất ý thức.
Nếu bạn nghi ngờ ai đó đang bị hạ thân nhiệt, hãy gọi ngay cấp cứu và cố gắng giữ ẩm, tăng nhiệt độ cơ thể cho họ. Bạn nên tập trung vào phần trung tâm của cơ thể của người cao tuổi bằng cách sử dụng đồ uống ấm, ngọt nhưng không sử dụng rượu bia hay bất kỳ đồ uống có cồn. Tuy việc làm ấm cơ thể là cần thiết nhưng cần tránh thay đổi nhiệt độ quá nhanh bằng việc tắm nước nóng hoặc sử dụng đèn sưởi, cũng không nên chườm nóng hoặc xoa bóp chân tay cho họ vì khi nhiệt độ tăng nhanh sẽ khiến tim và phổi gặp nguy hiểm.
Giữ an toàn cho người cao tuổi ở nhiệt độ thấp
Thời tiết rét đậm rét hại kèm theo mưa bão sẽ làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi, đặc biệt khi thân nhiệt của họ đang giảm. Nếu không có việc gì quan trọng, người cao tuổi không nên ra ngoài nhưng trong trường hợp bắt buộc thì bạn có thể giúp người thân của mình giữ an toàn bằng các cách dưới đây:
- Dọn dẹp gọn gàng cầu thang và lối đi để người cao tuổi không bị té ngã.
- Người cao tuổi nên sử dụng gậy được bọc cao su và đi lại trên vỉa hè, tránh những nơi mọc rêu trơn trượt.
- Giày dép của người cao tuổi nên đảm bảo độ ma sát.
Nhiệt độ phòng lý tưởng để người cao tuổi không bị hạ thân nhiệt là bao nhiêu?
Trong mùa đông, để đảm giữ ấm cho người cao tuổi thì nhiệt độ phòng tốt nhất chỉ nên ở 26-27 độ. Người già không thích nóng và nhiệt độ cao cũng khiến vi khuẩn phát triển, không khí bị khô gây khô ngứa da ở người cao tuổi. Nhiệt độ thấp quá sẽ làm cho người cao tuổi bị hạ thân nhiệt.
Để tiết kiệm điện, bạn nên đóng cửa các phòng không sử dụng lại khi bật điều hòa không khí hoặc dùng máy sưởi. Gió lùa ở khe cửa cũng rất nguy hiểm cho người già, vì thế bạn đừng quên chèn khăn ở khe cửa ra vào, cửa sổ để đảm bảo gió không lọt vào trong nhà. Rèm cửa không chỉ giúp tránh ánh nắng mặt trời mà còn cản gió rất tốt. Bạn đừng bỏ qua việc kéo rèm và bịt tất cả các khe hở của cửa bằng miếng dán nếu nó có những lỗ hở.
Cho dù ở trong nhà ấm hơn ngoài trời nhưng người cao tuổi vẫn cần mặc ấm, đi tất, quàng khăn và đắp chăn vào những ngày rét đậm, đặc biệt trong khi ngủ.
Người cao tuổi bị hạ thân nhiệt cũng có thể do ăn uống không đầy đủ, cơ thể thiếu chất khiến lớp mỡ dưới da quá mỏng. Việc xây dựng chế độ ăn uống đủ chất, hợp lý cho người thân của bạn trong mùa đông vô cùng cần thiết, và nhớ không nên để họ sử dụng đồ uống có cồn vì nó làm mất nhiệt trong cơ thể.
Để phòng tránh hạ thân nhiệt khi người cao tuổi tắm gội vào mùa đông, tốt nhất bạn hãy gợi ý họ sử dụng phương pháp tắm gội khô để vệ sinh cơ thể hàng ngày. Việc tắm gội bằng nước chỉ cần thực hiện khi nhiệt độ tăng lên, thời tiết ấm áp hơn.
Nếu người cao tuổi ở một mình, chúng ta cần quan tâm hơn, hỏi thăm nhiều hơn và có thể cân nhắc lắp camera để đảm bảo người thân của mình luôn an toàn và khỏe mạnh trong suốt mùa đông.
Yaocare Medic – Hương Dược Trị Liệu