7 Sai lầm khi nói chuyện với người già bị mất trí nhớ

Lời nói phù hợp sẽ giúp nâng cao tinh thần và khiến người nghe thấy vui vẻ hơn nhưng nó có thể trở thành con dao sắc bén gây tổn thương cũng như làm người khác bực bội nếu nó được nói ra không đúng lúc, đúng người, đúng chỗ. Đối với người già bị mất trí nhớ cũng vậy, việc bạn nói gì, dùng từ ngữ như nào cần hết sức cẩn thận.

Khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ của người già bị mất trí nhớ ngày càng bị hạn chế theo thời gian và điều này khiến họ khó có thể cho mọi người biết được mong muốn của mình cũng như không hiểu được đúng nghĩa những lời người khác nói.

Đối với mỗi giai đoạn cũng như mỗi loại bệnh mất trí khác nhau sẽ ảnh hưởng đến khả năng sử dụng từ ngữ của người bệnh không giống nhau. Và việc học cách để giao tiếp tốt với người già bị mất trí nhớ sẽ là chìa khóa để bạn giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là 7 sai lầm cần tránh khi nói chuyện với những người mắc chứng mất trí nhớ.

1. Hỏi người già bị mất trí nhớ “Ông/Bà/Bố/Mẹ có nhớ khi nào không?”

    Có thể bạn cho rằng việc hỏi câu hỏi như trên sẽ giúp người thân của mình gợi lại ký ức nhưng thực tế thì nó vô tác dụng. Việc cứ hỏi đi hỏi lại một câu hỏi mà họ không thể biết câu trả lời sẽ khiến họ cảm thấy mình đang bị thử thách và nó nhấn mạnh việc người đó có vấn đề về trí nhớ.

    Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận việc mình bị mất trí nhớ, câu hỏi kiểu như vậy sẽ tạo ra trải nghiệm khó chịu, gây bực bội, đau đớn cho người bệnh và cũng chưa có kết luận nào cho thấy việc sử dụng câu hỏi “bạn có nhớ khi nào không?” sẽ giúp họ nhớ lại.

    Để gợi nhớ ký ức của người già bị mất trí nhớ, bạn hãy cố gắng dẫn dắt cuộc trò chuyện về quá khứ và để họ làm chủ cuộc đối thoại thay vì dùng những câu hỏi như hỏi cung.

    Bạn có thể bắt đầu bằng “Con nhớ khi….” để giúp người thân của mình bình tĩnh nhớ lại và kể cho bạn nghe mà không cảm thấy khó chịu hay xấu hổ về tình trạng sức khỏe của mình.

    2. Nói với người già bị mất trí nhớ “Con vừa nói với bố/mẹ điều đó”

      Người già bị mất trí nhớ có thể sẽ hỏi bạn rất nhiều lần chỉ với một câu hỏi và điều này khiến bạn khó chịu, đặc biệt là khi bạn đang cảm thấy thất vọng và lo lắng cho họ. Tuy nhiên, câu trả lời của bạn họ sẽ không thể nhớ được bởi não của người bệnh không còn khả năng ghi nhớ lại thông tin cho những lần sau. Vậy nên đừng nói với họ rằng bạn đã trả lời họ rồi nhé. Điều này sẽ khiến cả hai đều đau khổ. Đối với họ, câu hỏi luôn là lần đầu tiên và họ cần có câu trả lời từ bạn.

      Thay vì trách móc người thân bị mất trí nhớ, bạn hãy cố gắng hiểu và ghi nhớ rằng họ sẽ không thể nhớ được điều gì và đối với họ được lắng nghe, thấu hiểu mới là quan trọng. Chính vì thế, hãy cố gắng bình tĩnh, kiên trì để trả lời những câu hỏi lặp lại với giọng điệu bình thản. Nếu bạn quá căng thẳng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân khác trong gia đình để có thể nghỉ ngơi, giúp lấy lại bình tĩnh khi trò chuyện với người già bị mất trí nhớ.

      3. “Anh trai của bố/mẹ đã mất cách đây 10 năm”

        Khi người già bị mất trí nhớ, có thể họ đã quên đi nỗi đau mất mát người thân trong quá khứ và yêu cầu gặp người đã mất. Đừng nói với họ về cái chết của người thân yêu bởi điều này sẽ khiến họ đau đớn và tức giận, nó giống như phản ứng khi lần đầu tiên nghe điều này vậy. Bạn hãy lựa chọn những câu trả lời dễ dàng hơn để giảm thiểu sự căng thẳng, có thể là người đó đang đi đâu đó một thời gian. Các câu hỏi sẽ khác nhau đối với mỗi người và tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.

        Bạn đừng cố gắng né tránh câu hỏi của người bệnh dù đôi khi đánh lạc hướng một chút cũng tốt. Đối với một số người, gợi ý để họ nói về người mà họ đang quan tâm có khi lại đem đến niềm vui và sự hứng khởi cho họ.

        Đôi khi việc hỏi thăm một ai đó trong gia đình lại là biểu hiện của cảm giác lo lắng cần được an ủi từ người họ tin tưởng nên bạn đừng quên hỏi xem người thân của mình đang cảm thấy thế nào nhé.

        4. Hỏi người già mất trí nhớ câu: Sáng nay bố/mẹ đã làm gì?”

        Hạn chế hỏi những câu hỏi mở về quá khứ vì người già bị mất trí nhớ sẽ rất căng thẳng nếu họ không thể tìm ra câu trả lời. Dù bạn có hỏi theo cách nào thì tốt nhất vẫn không nên nói về quá khứ và hãy tập trung vào những gì đang xảy ra ở hiện tại sẽ giúp người thân của bạn thoải mái hơn.

        Thay vì hỏi thăm về những gì đã trải qua trong ngày của người thân, hãy tự nói về một ngày của bạn và để họ tự tham gia vào câu chuyện cũng như đặt câu hỏi với bạn. Từ đó người thân của bạn có thể sẽ tự nói về những gì đã diễn ra với họ. Bạn có thể sử dụng thêm các vật dụng xung quanh để giúp cuộc nói chuyện thêm phong phú.

        5. “Bố/mẹ có nhận ra con không?”

        Chắc chắn bạn sẽ đau khổ khi người già bị mất trí nhớ không còn nhận ra bạn, đặc biệt khi đó là bố/mẹ bạn. Nhưng không chỉ có bạn, người bệnh cũng rất đau khổ khi không thể nhận ra mình đang nói chuyện với ai. Việc hỏi xem họ có nhớ bạn là ai không sẽ khiến họ cảm thấy tội lỗi. Hãy chào hỏi người thân của bạn theo cách phù hợp với giai đoạn phát triển bệnh của họ và cố gắng giữ thái độ thân thiện. Tốt nhất hãy tự giới thiệu tên và mối quan hệ của bạn và người thân của mình mỗi lần gặp mặt.

        Đừng qua buồn khi người bệnh không thể nhớ bạn là ai, hãy vui khi bạn còn có thể ở bên cạnh và chăm sóc họ. Điều này thật sự rất ý nghĩa.

        6. Không nên nói những câu dài, phức tạp với người già bị mất trí nhớ

        Những câu nói dài, câu ghép sẽ khiến người già bị mất trí nhớ khó hiểu và không thể tư duy được hết vì khả năng nhận thức của họ bị hạn chế. Vậy nên tốt nhất bạn hãy đưa ra từng ý một, từng việc làm một khi nói chuyện với người thân mất trí của mình.

        Thay vì nói: “hôm nay chúng ta sẽ đi ăn sáng rồi đi dạo ở công viên và sau đó sẽ về nhà ăn trưa” thì bạn hãy tiến hành theo từng bước. “Chúng ta sẽ đi ăn sáng”, sau khi ăn sáng xong bạn có thể đề nghị họ “giờ thì chúng ta sẽ đi chơi trong công viên”….Không nên nói quá nhiều, quá dài và nói trong môi trường ồn ào. Hãy nói chuyện với họ trong một không gian yên tĩnh để họ có thể tập trung vào bạn cũng như có thời gian xử lý những thông tin bạn đưa ra.

        7. Không nên dùng từ ngữ quá thân mật

        Nếu người thân bị mất trí nhớ là bạn đời của bạn, cũng đừng dùng những từ ngữ tình cảm như “em yêu”, “vợ yêu” vì lúc này họ sẽ có cảm giác như mình là trẻ con. Hơn nữa, khi mất trí, họ không nhớ bạn là ai và có thể cảm thấy bạn thiếu tôn trọng họ khi sử dụng những từ ngữ và giọng điệu như vậy.

        Nếu gia đình bạn có ai đó bị mất trí nhớ thì hãy luôn nhớ rằng họ không còn như trước và bạn cần nói chuyện với người thân của mình theo cách phù hợp với tình trạng hiện tại của họ. Việc đặt mình vào vị trí của người già bị mất trí nhớ sẽ giúp bạn thấu hiểu, cảm thông và kiên trì hơn, giúp quá trình điều trị mất trí nhớ của họ rất nhiều.

          Rate this post
          Hotline: 0866.120.006
          Chat Zalo
          Gọi điện ngay